Một trong những điểm du lịch tiêu biểu của huyện là thác Trinh Nữ. Thác không có dòng nước đổ từ trên cao xuống, mà đặc biệt với những tảng đá bazan dạng cột to lớn màu đen hàng triệu năm tuổi ở giữa dòng sông hoặc nhô ra từ bờ.
Thác Trinh Nữ với những khối đá bazan đặc biệt riêng có |
Hiện nay Bảo tàng địa chất đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết công nhận khu vực đá bazan ở thác Trinh Nữ là di sản địa chất và tiến hành xây dựng một công viên địa chất tại đây. Thác hiện đang được Công ty TNTMDV Phú Gia Phát đầu tư xây dựng, phục hồi một số hạng mục phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, Khu du lịch thác Trinh Nữ là một trong những địa điểm thu hút khách thập phương đến đây du ngoạn, ngắm cảnh.
Điểm hấp dẫn du khách nữa là Hồ Trúc, tọa lạc tại Trung tâm thị trấn Ea T'ling. Hồ có quy mô 23 ha bao gồm cả diện tích mặt nước và diện tích rừng cây. Hồ Trúc được bao bọc xung quanh bởi nhiều cây xanh. Trong khuôn viên hồ có một bán đảo khá rộng, phần lớn là rừng tràm phủ kín với địa hình tự nhiên đẹp tạo không khí trong lành mát mẻ, không gian cảnh quan đẹp.
Hồ Trúc với mảng xanh cây rừng |
Năm 2013-2014, huyện đã triển khai xây dựng Đường vành đai quanh Hồ Trúc, với các hạng mục công trình như: Nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh và các hạng mục khác bằng nguồn kinh phí của huyện. Hiện nay, huyện Chư Jút đang quy hoạch Hồ Trúc trở thành công viên vui chơi giải trí phục vụ người dân và khách du lịch.
Đường đi dạo giữa Hồ Trúc |
Điểm khám phá văn hóa truyền thống thú vị mà du khách không thể bỏ qua là buôn Buôr cổ (xã Tâm Thắng). Buôn được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư kinh phí khôi phục nhà dài truyền thống của người Ê đê, xây dựng đường bê tông vào buôn, nhà văn hóa truyền thống, phục dựng giếng cổ, bến nước…
Hiện tại ở buôn Buôr còn khoảng gần 20 nhà dài truyền thống, trong đó có những ngôi nhà dài trên 100 năm tuổi. Người dân trong buôn còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc như nhà dài truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát...
Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê ở buôn Buôr |
Dọc bờ sông Sêrêpốk được huyện quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, hiện nay đã đầu tư đường nhựa và đèn thắp sáng từ cầu 14 xã Tâm Thắng đến khu thác Trinh Nữ với quy mô 420 ha. Bên cạnh đó, huyện còn nhiều thác nước và tiềm năng du lịch chưa được khai thác như: Khu du lịch thác LinDa, Khu du lịch đồi núi lửa, Hồ thủy điện Sêrêpốk 3 và Sêrêpốk 4…
Ngoài ra, dòng sông Sêrêpốk chảy qua huyện có hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng, có nhiều thác ghềnh hùng vĩ, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy sản và thủy điện. Ở đây có các loài đặc sản như cá lăng, cá bống và đặc biệt là cá mõm trâu…
Đặc biệt huyện Chư Jút có 23 dân tộc sinh sống tạo nên vùng giàu bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc, lưu trữ và bảo tồn được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống với không gian văn hóa cồng chiêng, phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống như: Lễ rước ghế Kpan, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước…
Cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng đang từng bước được địa phương quan tâm, xây dựng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách. Huyện có 23 cơ sở lưu trú, 2 nhà hàng và một số quán ăn chất lượng phục vụ khách du lịch. Các sản phẩm quà tặng địa phương cũng đang tạo nên nhiều sự lựa chọn cho du khách như: Đậu phụng, hạt điều sấy khô; các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, hồ tiêu, cà phê, trái cây theo mùa, sản phẩm về thổ cẩm, các sản phẩm đan lát từ mây, tre, rượu cần của đồng bào dân tộc Ê đê tại buôn Buôr và buôn Nui…
Để đạt được kết quả này, huyện đang xây dựng kế hoạch, tạo mọi điều kiện trong năm 2018 đưa một số dự án du lịch đi vào hoạt động. Huyện tập trung đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm theo quy hoạch cụ thể trên địa bàn các xã, thị trấn có tiềm năng du lịch, phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân. |
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Chư Jút đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm của huyện như: Công viên vui chơi giải trí Hồ Trúc, điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ… Bên cạnh việc tập trung vốn đầu tư ngân sách của tỉnh, của địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tạo điểm nhấn về hạ tầng, huyện tiếp tục mời gọi doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông