Tuyến đường thôn Đức Thành nối dài, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đang được nhà thầu thi công nền |
Xã văn hóa thiếu… nhà văn hóa
Là xã văn hóa đầu tiên của tỉnh, nhưng đến nay, cơ sở vật chất về văn hóa trên địa bàn lại không được đầy đủ. Điều này không chỉ khó khăn cho sinh hoạt cộng đồng của người dân, mà còn ảnh hưởng lớn tới các hoạt động chung của thôn, xã.
Trong 18 thôn của xã thì chỉ có duy nhất thôn Đức Bình có nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, do diện tích không đủ nên các hoạt động của thôn diễn ra cũng không được thuận tiện. Sân chơi không có nên khi thôn muốn tổ chức một hoạt động gì cụ thể cũng rất khó khăn. Đặc biệt, mỗi lần đi họp, người dân lại phải ngồi “tràn ra” ngoài sân bất kể thời tiết mưa, nắng. Tình hình này còn khó khăn hơn ở 17 thôn còn lại. Nơi thì họp tạm ở nhà dân, nơi phải tập trung ở các trường học.
Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng thôn Đức Ái cho biết: “Hầu hết tất cả các buổi sinh hoạt của thôn đều mượn nhà dân để họp nên phải tranh thủ vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Nếu thôn có cuộc họp đột xuất thì cũng không thể tổ chức ngay được, vì không có địa điểm. Cũng do không có địa điểm để treo các thành tích mà thôn đạt được hoặc cần lưu niệm hiện vật, sự kiện gì nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền tới bà con và nhất là thế hệ trẻ. Hiện tại, bà con trong thôn rất mong chờ có nhà văn hóa để sinh hoạt”.
Theo ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh thì do xã đạt tiêu chí về văn hóa từ năm 2007, trước khi ban hành 19 bộ tiêu chí về xây dựng NTM nên những thiết chế kèm theo về văn hóa lúc này chưa có. Để giải quyết vấn đề này, hiện tại, xã cũng đã có quy hoạch một số diện tích đất cụ thể. Trong đó, hiện nay, xã đang có một số lô đất của các hợp tác xã giải thể trên địa bàn, ở địa thế rất đẹp. Nếu được chủ trương cho bán đấu giá, xã sẽ mua lại các lô 2 ở phía sau, với giá thấp hơn thì sẽ đủ kinh phí cho việc xây dựng 5 hội trường chung cho 10 thôn còn lại. Tuy nhiên, hiện tại, đề xuất này còn đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên…
Giao thông chờ… phần vốn hỗ trợ từ Nhà nước
Theo kế hoạch, đến năm 2018, xã Đức Mạnh sẽ đạt chuẩn về tiêu chí giao thông nông thôn. Việc huy động nguồn đóng góp từ phía người dân cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước chưa biết đến bao giờ.
Trong thời gian qua, ở một số tuyến đường của xã sau khi được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại sinh hoạt, sản xuất rất thuận tiện. Người dân cũng rất đồng tình, ủng hộ chủ trương nhà nước và nhân dân cùng đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm.
Thế nhưng, cái vướng ở đây là hiện nay tại một số tuyến đường, người dân đã đóng góp tiền, nhưng vẫn chưa thể triển khai hoặc triển khai chậm vì còn phải chờ vốn đối ứng của nhà nước. Trong đó có 3 tuyến đường ở các thôn Đức Thuận, Đức An và Đức Thành nối dài, có tổng chiều dài gần 4 km, bà con đã họp và thống nhất đóng góp tiền để làm từ cuối năm 2014 nhưng vừa qua mới được 1 tuyến ở thôn Đức Thuận hoàn thành. Hai tuyến còn lại hiện mới được nhà thầu thi công nền và phải chờ chủ trương hỗ trợ về xi măng, cát, đá của nhà nước mới đổ bê tông được.
Ông Hồ Đức Thiện, người dân thôn Đức Ái chia sẻ: “Gia đình tôi có 9 sào đất rẫy trong thôn nên tổng số tiền phải đóng để làm đường là 13,5 triệu đồng. Hiện tại, tôi đã đóng được đợt đầu là 3,5 triệu đồng và chuẩn bị đóng góp đợt II là 4,5 triệu đồng nữa. Con đường này có kế hoạch khởi công đã lâu, nhưng chưa làm được, tôi và bà con cũng rất nóng lòng. Tôi cũng hy vọng, tuyến đường Đức Thành nối dài này sẽ sớm hoàn thành và giúp bà con của 3 thôn đi lại thuận tiện hơn”…
Ông Quyền cũng cho biết thêm: Thời gian qua xã cũng rất vất vả về vấn đề này vì bà con đã mong chờ mỏi mòn ở những con đường trên từ gần 2 năm nay. Hiện tại, xã vẫn còn một số tuyến đường khác cần triển khai làm sớm, họp dân, bà con sẵn sàng đóng góp, nhưng do đang vướng 2 tuyến này nên địa phương cũng không dám huy động thêm nguồn lực trong dân nữa. Hiện tại, số tiền đóng góp ban đầu theo quy định cũng đã nằm trong kho bạc nhà nước, mà vốn đối ứng chưa về nên không thể rút ra được. Người dân vẫn rất hy vọng vốn sớm được giải ngân về để các tuyến đường nhanh chóng hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại sản xuất và sinh hoạt…
Được biết, đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông của toàn xã Đức Mạnh mới chỉ đạt được 40% theo chuẩn tiêu chí của tỉnh (và đạt khoảng 20% theo chuẩn của Trung ương); trong khi đó, tỷ lệ đạt chuẩn phải là 70%. Nếu sự chờ đợi cứ kéo dài như thời gian qua, chắc chắn, mục tiêu đạt được tiêu chí giao thông nông thôn trong năm 2018 và các tiêu chí còn lại trước năm 2020 của xã Đức Mạnh sẽ khó mà thực hiện được…
Bài, ảnh: Lê Dung
Nguồn tin: Báo Đăk Nông