Mua hàng qua mạng (online): Cẩn thận kẻo mất tiền!

Thứ sáu - 06/09/2013 08:42 1.573 0
Mua hàng online không còn xa lạ với các tín đồ shopping, đặc biệt với những chị em, giới làm văn phòng thích “săn” hàng giá rẻ. Hàng loạt các tên địa chỉ như cungmua..., nhommua...,cucre.., hotdeal... ra đời phục vụ nhu cầu mua sắm đang bùng phát mạnh mẽ này.

 

Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm nào mua tại đây cũng đều là hàng giảm giá và đạt chất lượng. Nếu không cẩn trọng, người mua vẫn dễ dàng bị “hớ” như chơi!

Méo mặt với hàng online!

Mua hàng qua mạng (online): Cẩn thận kẻo mất tiền!
Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm khi mua hàng online. Ảnh: Hải Nguyễn


Nguyễn Ngọc Nhung (ngụ ở Q. Hà Đông – Hà Nội) là “con nghiện” của các trang bán hàng online. Bất kể trang nào, Nhung cũng biết khá rõ và chuyên lùng sục các mặt hàng, dịch vụ... giảm giá, khuyến mãi. Hàng giá rẻ, lại được giao hàng miễn phí nên càng khiến cô ngày nào cũng ghé qua mua vài món đồ lặt vặt về dùng.

Phải công nhận, hàng hóa trên các trang mạng này rất phong phú, “vô thiên lủng” các thể loại: Thời trang, đồ gia dụng, dịch vụ, du lịch, đồ chơi trẻ em... Mặt bằng giá cũng phong phú không kém, phù hợp túi tiền của phần lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu mua sắm quen và chịu khó lùng sục thị trường, nhiều người đã giật mình bởi thay vì hớn hở mua được hàng giá rẻ thì lại hớ tiền theo nhiều cách khác nhau.

“Tai nạn nghề nghiệp” của bạn Nhung nói trên cũng vậy. Hí hửng xách về nhà chiếc máy làm sữa chua Kangaroo với giá 335.000đ – mức giá được ghi là đã giảm đến 40% so với giá gốc, không ngờ hôm sau vào siêu thị, cô mới giật mình bởi giá bán của chiếc máy này chỉ 290.000đ.

Trường hợp của Nhung chưa là gì so với Huy – sinh viên ĐH Công đoàn Hà Nội. Lùng sục mãi mới được lô áo phông combo 3 chiếc ghi rất rõ 100% cotton hàng VN “xịn”, với giá 230.000đ – giảm hẳn 50% so với giá gốc. Nhận hàng về, Huy mới “tá hỏa” khi lô áo anh nhận được lại là... hàng Trung Quốc, lớp vải thô rám và mặc rất nóng thay vì quảng cáo là chất liệu cotton.

“Tiền nào của nấy” – bây giờ Huy mới thấm thía bài học mua hàng qua mạng. Rất nhiều phụ huynh khi mua đồ chơi online cho con trên các trang này, cũng than phiền khi tìm hiểu ở các cửa hàng đồ chơi, giá bán thậm chí còn thấp hơn giá trên mạng, dù đã được chào hàng là giảm giá từ 30 – 50%.

Chú mèo Tom biết nói nhại được chị Tuyết Mai (KĐT Linh Đàm) phấn khởi mang về cho con chơi với giá 135.000đ – giảm hẳn 40% so với giá thị trường. Nào ngờ, cũng chú mèo này, cửa hàng đồ chơi gần nhà chị chỉ 100.000đ. Nhiều mặt hàng đã cũ, lỗi thời và tồn kho cũng được chào bán trên mạng mà nếu không tinh mắt, người tiêu dùng dễ dàng bị lừa bởi các hình ảnh quảng cáo khoa trương trên mạng.

Thả lỏng thương mại điện tử

Mô hình thương mại điện tử (TMĐT) có mặt tại VN đã lâu nhưng nó chỉ bùng phát khoảng 3 năm trở lại đây. Chỉ cần “kích chuột” máy tính hoặc điện thoại là có thể shopping thoải mái. Với tiện ích này, nhiều DN trong nước đã có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới mà không phải tốn nhiều chi phí đi lại, quảng bá sản phẩm theo các phương thức truyền thống. Cùng đó, TMĐT đã giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn và cách tiếp cận với hàng hóa sản xuất của nước ngoài mà không phải làm các thủ tục mua bán rườm rà.

Trước tình trạng các trang mạng bán hàng online xuất hiện “vô tội vạ” thiếu kiểm soát, ngày 1.7.2013, Nghị định 52/2013/NĐ-CP Chính phủ ban hành có hiệu lực về việc quy định 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TMĐT. Theo Hội Tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi NTD, không chỉ những trang mạng mới quảng cáo sản phẩm sai sự thật mà hiện một số trang mạng hoặc kênh truyền hình có uy tín cũng đã quảng cáo không đúng chất lượng của hàng hóa.

Cục Trưởng cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, khi tham gia hình thức mua theo nhóm, người tiêu dùng có thể được giảm giá từ 30% (cho sản phẩm) và 50-70% (cho các loại hình dịch vụ ăn uống, du lịch, làm đẹp). Tuy nhiên, công tác quản lý với mô hình kinh doanh này hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Mới đây, vụ việc trang bán hàng trực tuyến Nhóm Mua tạm thời ngừng hoạt động, nhiều khách hàng đang sở hữu phiếu mua hàng của Nhóm Mua có nguy cơ bị mất tiền, quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ. Do đó, trong Dự thảo Nghị định thương mại điện tử sắp ban hành sẽ có những quy định mới đối với mô hình kinh doanh này.

Với người mua hàng, để tránh mất tiền vô duyên trước các hàng hoá online, trước khi click chuột quyết định mua, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, so sánh đối chiếu giá với các cửa hàng, đại lý. Nếu chắc chắn về chất lượng, hình dáng sản phẩm thì mới quyết định mua, tránh tình trạng nhận hàng kém chất lượng, hàng nhái. Người mua cũng hạn chế lạm dụng kênh mua hàng online như một thói quen, chỉ mua hàng thật sự thiết thực và tuyệt đối không quá tin tưởng vào những hình ảnh màu mè, khoa trương về sản phẩm quảng bá đi kèm.
 

Theo thống kê của Bộ TTTT, hiện có trên 15 triệu người dùng đã truy cập vào các website mua bán TMĐT, chiếm 43% lượng người truy cập. Hiện nay, số lượng người truy cập vào các website TMĐT để tra cứu các thông tin sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa và tham khảo giá cả, nguồn hàng đã tăng mạnh. Một số đã tham gia giao dịch trực tuyến. Theo dự tính, năm 2013 TMĐT sẽ có mức tăng trưởng khoảng 50%, có nghĩa là khoảng  3,4 triệu người sẽ hoạt động thường xuyên trên các website TMĐT.

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay2,824
  • Tháng hiện tại54,194
  • Tổng lượt truy cập41,121,997
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây