Bộ trưởng GD-ĐT nhận phần trách nhiệm đào tạo tràn lan, cử nhân thất nghiệp

Thứ tư - 11/06/2014 21:37 836 0
Nhận trách nhiệm trong việc một bộ phận không nhỏ cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo dục ĐH, CĐ mới chỉ chú trọng về lượng mà chưa về chất, “Bộ và các trường có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đăng đàn sáng 11-6

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đăng đàn sáng 11-6 nhận phần trách nhiệm về việc đào tạo tràn lan, cử nhân thất nghiệp - Ảnh chụp qua màn hình

 

Các đại biểu Quốc hội sáng nay 11-6 đã làm nóng nghị trường với chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận về vấn đề hàng chục ngàn sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm.

Mở đầu chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Minh Nhiệm (Yên Bái) chất vấn: Bộ GD-ĐT chọn khâu thi cử làm khâu đột phá, vậy vì sao chưa đổi mới chương trình, SGK đã đổi mới thi cử?

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) tiếp tục với chất vấn “tư lệnh” ngành giáo dục về việc hiện có gần 72 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, thất nghiệp. “Việc tuyển sinh tràn lan, không đáp ứng yêu cầu của thị trường của các trường đại học đã làm méo mó thị trường lao động. Xin bộ trưởng cho biết có chính sách, giải pháp gì về vấn đề này?” - đại biểu Nam đặt vấn đề.

Cũng chung ý kiến này, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) bức xúc: Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học, nhiều gia đình, trong đó có không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn tạo mọi điều kiện cho con ăn học. Nhiều ông bố bà mẹ tha phương phải ở nhà thuê, phải nằm trong ống cống bỏ hoang để có tiền cho con học đại học, nhưng một thực trạng rất đáng buồn đang hiện hữu trong xã hội là hàng chục ngàn sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết bàn về vấn đề việc làm, về thị trường lao động. Bộ GD-ĐT và các trường cũng là 1 bộ phận của phần “cung”.

Về trách nhiệm của bộ trong việc để một bộ phận sinh viên thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết hiện chúng ta mới chú ý về số lượng mà chưa chú ý về chất lượng. "Nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử mới xuất phát chủ yếu từ khả năng mình có của các nhà trường chứ chưa chú ý, chưa có hoạt động thiết thực đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Quy trình mở trường cấp phép lập trường đại học, cao đẳng còn thiếu chặt chẽ. Các chương trình, nội dung đào tạo còn nặng kiến thức một chiều, nặng hình thức, thiếu kỹ năng nghề, khả năng làm việc nhóm" - ông nhìn nhận.

“Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, và theo đó là quy mô sinh viên tốt nghiệp tăng trong khi chất lượng đào tạo còn thấp, chưa tăng. Bộ và các trường có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên” - Bộ trưởng Luận thừa nhận.

“Thị trường lao động cũng giống như thị trường hàng hóa, Chúng tôi đã bàn với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để phối kết hợp trong việc đào tạo cung ứng việc làm. Nếu vượt thẩm quyền sẽ trình lên Chính phủ để làm sao cân đối nguồn nhân lực của thị trường lao động” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.

Là Bộ trưởng thứ 2 đăng đàn trong phần chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII, chất lượng đào tạo đại học, dạy nghề, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông… là những nội dung trọng tâm được “tư lệnh” ngành giáo dục Phạm Vũ Luận trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội (QH) trong sáng nay 11-6. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Luận cũng giải thích việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), công tác quản lý xuất bản SGK và sách tham khảo.

 

Văn Duẩn - Tô Hà
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRI
    1Thích  
    11/06/2014 15:23

    CẦN PHẢI ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU Việc Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm vũ Luận nhận trách nhiệm đào tạo tràn lan, cử nhân kể cả thạc sĩ bị thất nghiệp, đây là vấn đề cần báo động, cần sớm có giải pháp đồng bộ để giải quyết mang tính chiến lược lâu dài. Để triển khai tốt trong việc đào tạo cần có sự phối hợp chặc chẽ giữa hai bộ, Bộ giáo dục đào tạo và Bộ lao động thương binh và xã hội, cần phải tính toán khả năng giữa cung và cầu, đó là một bên là nhu cầu đào tạo của Người sử dụng lao động bao gồm các các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị doanh nghiệp kể cả nhà nước và tư nhân có nhu cầu cần tuyển dụng lao động hàng năm, từ đó mới có nhu cầu đào tạo cụ thể từng ngành nghề đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề. Từ trước đến nay chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cung và cầu trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, mặc dù cũng có một số ít trường Đại học đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của họ, nhưng chưa được nhân rộng phổ biến. Xuất phát từ đó, đề nghị hai Bộ, Bộ giáo dục& đào tạo và Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ đạo cho các Sở chuyên ngành ở các địa phương như Sở Lao động thương binh và xã hội và Sở Gíao dục đào tạo hàng năm tiến hành điều tra xác định nhu cầu lao động cần đào tạo ngành nghề thật cụ thể ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, nhu cầu còn thiếu lao động của các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp theo biên chế được giao hàng năm. Qua báo cáo của các địa phương hàng năm gửi cho hai Bộ, trên cơ sở đó hai Bộ chuyên ngành tổng hợp nhu cầu đào tạo của cả nước ngay từ đầu năm, hai Bộ sẽ xem xét quyết chỉ tiêu đào tạo và giao cho các trường đào tạo chính quy kể cả dạy nghề tuyển sinh, có như vậy sẽ hạn chế việc đào tạo tràn lan, cử nhân tốt nghiệp không có việc làm như các năm qua. MINH TRÍ


Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,558
  • Tổng lượt truy cập41,236,159
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây