Bài 1: Từ chối dự án kém
Việt Nam đang mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả Trung Quốc, nhưng phải là dự án tốt ở những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch.
Ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài - cho rằng trước hết cần phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng loại bỏ những gói thầu chất lượng tồi, không làm lợi, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Vốn nhiều nhưng tỉ lệ nội địa hóa 0%!
Số liệu thống kê cho thấy tính đến hết năm 2013, Trung Quốc có 977 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng số vốn đăng ký lũy kế đạt gần 7 tỉ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, riêng năm 2013, vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 2,3 tỉ USD, chiếm 16% tổng FDI của Việt Nam. Hoạt động FDI cũng gia tăng thông qua việc Trung Quốc đứng thứ 3 trong số 50 quốc gia và khu vực có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam.
Hiện nay, đại đa số dự án lớn của Việt Nam do Trung Quốc thắng thầu, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng, dự án Đường 5, dự án Đường sắt trên không Cát Linh - Hà Đông…
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng, trong đó 15 dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa là… 0%. Trong đó, có những công trình lớn DN Trung Quốc trúng thầu, như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1…
Nguyên nhân Trung Quốc trúng thầu lớn ở Việt Nam được giới chuyên gia chỉ ra là do giá bỏ thầu rất thấp; trang thiết bị, công nghệ cạnh tranh rất lớn về giá. Trong khi đó, nhiều địa phương ham thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm nên sẵn sàng gật đầu với những gói thầu giá rẻ mà không thực sự quan tâm đến chất lượng.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp - cho rằng Trung Quốc chỉ là một trong số những nước đầu tư vào Việt Nam loại khá, chưa bao giờ vươn lên tốp đầu… nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Thực tế, Việt Nam vẫn thu hút được những nhà thầu chất lượng tốt từ Nhật Bản, châu Âu…
Chất lượng nhà thầu Trung Quốc thấp
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thẳng thắn nhìn nhận các gói thầu của Trung Quốc thường có chất lượng kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, thường hay bị đội giá do nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện, nhiều dự án chậm tiến độ. “Các dự án thắng thầu của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây thâm hụt thương mại khiến Việt Nam nhập siêu từ nước này cao qua nhiều năm” - ông Thắng nêu.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc tìm đến Việt Nam đầu tư khiến nền kinh tế trong nước không được hưởng lợi nhiều mà ngược lại còn bị lợi dụng.
Ông Mai Thanh Hải cho rằng với công nghệ không tiên tiến, dây chuyền máy móc chỉ cạnh tranh ở giá rẻ mà không đạt chất lượng nên chúng hư hỏng nhiều sau thời gian ngắn sử dụng dẫn đến nhiều hoạt động bị ngừng trệ, chi phí sửa chữa rất tốn kém.
“Vấn đề ô nhiễm môi trường do công nghệ không tốt cũng là điều đáng lo ngại. Chưa kể đến việc Trung Quốc có thể lấy cớ đầu tư để di dân sang nước bản địa, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác ở châu Phi, Lào, Campuchia, một phần nước Nga… Thực tế, có những dự án của Trung Quốc kéo theo hàng ngàn chuyên gia trình độ thấp đến Việt Nam làm việc gây nguy cơ bất ổn và không tạo được công ăn việc làm cho người Việt. Chúng ta phải thận trọng lựa chọn các dự án đầu tư, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà cần tính đến lâu dài khi sàng lọc, lựa chọn” - ông Hải khuyến cáo.
Ông Mai Thanh Hải cho biết ông luôn chọn mua máy móc, thiết bị công nghệ cao từ thị trường Âu, Mỹ, Nhật Bản với giá đắt nhưng bền, không phải sửa chữa. “Như vậy, mức đầu tư không cao hơn so với nhập thiết bị rẻ song thường xuyên gặp sự cố. Do đó, DN nên quan tâm đến việc đánh giá chất lượng thiết bị thay vì ưu tiên nhập công nghệ rẻ từ Trung Quốc” - ông Hải khuyên.
Tự lực thì mới tự cường
Ở góc nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quang A cho rằng nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn yếu kém, DN hoạt động không hiệu quả nên phải dựa vào đầu tư nước ngoài. Do đó, theo ông, muốn thoát lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác thì rất cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
4 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,4%
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương tổ chức chiều 2-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Về việc mở rộng thị trường giao thương, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thông qua tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. “Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu là việc rất quan trọng cần hướng tới” - ông Hải khẳng định.
Một số giải pháp khác để giảm lệ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc được ông Hải chỉ ra là tăng cường sản xuất trong nước, tăng xuất khẩu vào thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc tăng 28,4% so với năm trước.
Kỳ tới: Cảnh giác giá thầu rẻ
Nguồn tin: NLĐ Online