Giáo sư GS. TS Nguyễn Quang Ngọc trò chuyện cùng các chiến sỹ trẻ bên tấm Atlas của nhà Địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen Triển lãm trưng bày các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành để thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thời kỳ 1954-1975, các văn bản hành chính của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ 1975 đến nay tiếp tục khẳng định việc thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết, ông vừa mang về từ Bỉ tấm Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795-1869) - người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ - biên soạn và xuất bản tại Bruxelles(Bỉ) vào năm 1827. Tấm Atlas này có 6 tập, trong đó tập 2 về Châu Á thể hiện chủ quyền của Đế chế An Nam với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, đây là tấm bản đồ được vẽ bằng phương pháp hiện đại nhất đầu thế kỷ XIX, gần như tuyệt đối chính xác so với bản đồ hiện nay. Tấm Atlas này là tư liệu quý giá góp vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa.
Ngoài bộ Atlas này, triển lãm trưng bày khoảng 100 bản đồ và các bộ Atlas được xuất bản từ thế kỷ XVII đến nay, qua đó cho thấy các bản đồ và bộ Atlas của chính phía Trung Quốc cũng phủ định chủ quyền của nước này với Hoàng Sa - Trường Sa.
|
Tiến sỹ Sử học Trần Đức Anh Sơn (giữa) diễn giải các tư liêụ về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa |
GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm, các bộ chính sử triều Nguyễn được soạn bởi Quốc sử quán tổng đài (tương đương cấp Bộ trưởng) và sau đó được khắc in trên mộc bản, trong khi đó mộc bản và châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức của nhân loại, do vậy đây là những tư liệu có giá trị pháp lý quốc tế cao.
Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội Đà Nẵng - bày tỏ: GS Erik Franckx (Đại học Tự do Brussel - Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực) thoạt tiên cho rằng các bằng chứng đến từ cả hai phía sẽ ít có giá trị pháp lý khi đưa ra tòa, nhưng sau khi xem các bằng chứng lịch sử mà chúng ta trưng ra trong triển lãm mới đây ở Đà Nẵng thì ông đã bị thuyết phục và thay đổi quan điểm.
|
Bản đồ duyên hải Quảng Nam, Đàng Trong, Đàng Ngoài và Đảo Hải Nam lưu trữ tại Văn khố lưu trữ quốc gia Hà Lan ở The Hague do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 10.2011. |
Do vậy, việc tổ chức triển lãm không chỉ có ý nghĩa khơi gợi lòng yêu nước của người dân mà còn để thuyết phục bạn bè quốc tế rằng quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa là có thật.
Theo ông Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại - đây là triển lãm thứ 9 về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa do Bộ TTTT tổ chức từ tháng 6.2013 đến nay. Triển lãm này đặc biệt bởi nó diễn ra trong một bối cảnh mới và được tổ chức ở Quảng Ngãi - một tỉnh có truyền thống gắn bó với Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo kế hoạch, triển lãm sẽ được tổ chức đến hết ngày 6.7.
Song song với triển lãm tại TP Quảng Ngãi, ngày mai triển lãm sẽ khai mạc tại huyện đảo Lý Sơn và mở cửa đến hết ngày 4.7.