Hơn bao giờ hết, vào lúc này người ta nghĩ nhiều đến vận nước mà đoán định sự thịnh suy để bàn về sự chuyển hoá của thách thức và cơ hội. Nhìn vào thời cuộc giữa một thế giới đầy biến động và rủi ro này thật dễ hoang mang. Nhưng nếu soi vào tấm gương của lịch sử thì chúng ta cũng dễ an lòng hơn vì nó giải thích được vì sao cả ngàn năm qua dân tộc ta vẫn trụ vững trên bờ Biển Đông tại nơi đầu sóng. Và cũng vì thế mà chúng ta có cơ hội suy ngẫm về những bài học của người xưa vẫn còn giá trị ngay trong thời đại ngày nay, dù đã có rất nhiều thay đổi mà chúng ta cũng phải theo kịp.

 

 

Thời đại Vua Hùng dù còn vương vất đầy truyền thuyết về quá trình hình thành dân tộc thì cũng có đủ những thông điệp cần thiết để quốc gia trường tồn. Đó là đoàn kết (truyền thuyết chung một trái bầu hay một bọc - đồng bào), ưa hoà hiếu nhưng kiên cường chống giặc ngoài xâm (Ông Gióng) và luôn cảnh giác với phương Bắc (Mỵ Châu - Trọng Thuỷ). Hơn một ngàn năm bị các triều đại phương Bắc đô hộ, tổ tiên chúng ta đã ứng phó bằng mọi cách, bắt đầu là các cuộc nổi dậy với ý chí không thoả hiệp như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... sẵn sàng chấp nhận cái chết khi sự nghiệp không thành đã biến hơn một thiên niên kỷ “thời Bắc thuộc” thành “thời chống Bắc thuộc”. Nhưng trong hơn một thiên niên kỷ ấy, cái khiến cho dân tộc ta không rơi vào thân phận của nhiều cộng đồng khác trong Bách Việt cuối cùng bị thôn tính vào trong các đế chế Trung Hoa, chính là vì dân tộc ta chống đỡ kiên cường để bảo vệ những giá trị văn hoá của riêng mình trước sức mạnh đồng hoá rất khắc nghiệt của những kẻ đô hộ. Ví như trống đồng là một trong những vật thể tiêu biểu của nền văn minh lúa nước, có ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á và phía Nam lãnh thổ Trung Quốc hiện tại. Nhưng trống đồng ở Việt Nam mang một số phận riêng vì nó trở thành biểu trưng của ý chí bảo vệ bản sắc văn hoá của mình trước chính sách đồng hoá của phương Bắc. Sử chép rằng, kẻ đô hộ thu gom trống đồng đem về đúc “ngựa” thì người dân Việt chôn sâu vào lòng đất, đặt sâu trong hậu cung của những ngôi đền tín ngưỡng và gắn liền với đời sống tâm linh để cho tới ngày nay trở thành một biểu tượng quốc gia của một dân tộc đã vượt qua thử thách mà không bị đồng hoá...

 

 
 

 

Tượng Thánh Gióng - một biểu tượng của tinh thần kiên cường chống giặc ngoại xâm.

 

 

 

Nhưng một khi dân tộc ta đã trưởng thành, vượt qua những triều Đinh và Tiền Lê như những trải nghiệm và thách thức ban đầu, thì đến triều đại nhà Lý, mục tiêu tạo dựng hạt nhân cho sức mạnh bền vững của một dân tộc chính là nền văn hiến. Bài thơ “thần” trên bờ sông, cũng là chiến tuyến Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý Thường Kiệt cầm quân không chỉ mang ý nghĩa như một “lời tuyên ngôn độc lập” (Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư) mà còn nói rõ khả năng thực thi cái chủ quyền ấy (Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đằng hành khan thủ bại hư).

 

 

Sức mạnh dân tộc cũng là nền tảng của kế sách giữ nước được gây dựng trên cả nguyên lý về sự hội nhập. Trong ngàn năm bị đô hộ, chúng ta bị “hội nhập cưỡng bức” với nền văn minh Trung Hoa bởi một chính sách đồng hoá hà khắc nhưng mặt khác, tổ tiên chúng ta lại chủ động hội nhập với một nền văn minh khác Trung Hoa. Trước tiên, đó chính là đạo Phật gốc tích từ nền văn minh Ấn Độ và lan toả ra nhiều khu vực ở Nam Á và Đông Nam Á và trực tiếp được du nhập vào nước ta từ rất sớm cùng với con đường Đại Thừa của Phật giáo từ Đông Á (trong đó có Trung Hoa) theo đường vòng truyền xuống từ phương Bắc.

 

 

 

 

Trong các triều đại Lý - Trần, Phật giáo nói chung và vai trò các vị đại sư tác động vào triều chính của cung đình Việt Nam vô cùng hệ trọng và tạo nên bản lĩnh chủ động hội nhập với tất cả những yếu tố gì có lợi cho dân tộc. Định hướng Nam tiến là con đường sống còn giúp dân tộc Việt Nam vươn tới không gian của một vùng văn hoá mới hoàn toàn khác Trung Hoa, gần gũi với Ấn Độ và trực tiếp là với không gian Đông Nam Á và văn hoá Biển.

 

 

Có một thực tế lịch sử là khi đã trưởng thành, triều đại nhà Lý chính là thời kỳ chúng ta lại “chủ động hội nhập” với chính nền văn minh Trung Hoa trên cơ sở lựa chọn những thành tựu của nền văn minh này để tạo dựng như những công cụ phục vụ cho lợi ích phát triển của quốc gia Đại Việt. Khi chọn đô, đức Lý Công Uẩn không “nối lại quốc thống” để trở lại với Cổ Loa của An Dương Vương như sự lựa chọn của Ngô Vương Quyền mà lại chọn chính Thành Đại La mà phương Bắc đặt làm trị sở; đã rước Khổng Tử về thờ (lập văn Miếu), chấp nhận lấy chữ Hán làm “quốc tự” trong trước tác và trong đào tạo, thi cử tuyển chọn nhân lực... và học hỏi Trung Hoa cả trong thiết chế xã hội thượng tầng...

 

 

Làm như vậy mà triều Lý cũng như các triều đại kế tiếp không tự đánh mất mình, tự bị đồng hoá chính nhờ việc luôn gìn giữ, vun đắp nền tảng quốc gia lấy các làng xã làm tế bào xã hội, lấy ngôn ngữ nói (tiếng Nam) làm nền tảng giao tiếp và lấy tinh thần hội nhập với mọi cái gì có lợi cho quốc gia để học hỏi. Để rồi chữ Hán ta học của phương Bắc có thể chuyển tải được những tư tưởng đầy tinh thần tự chủ và nhân văn của dân tộc ta và đào tạo các thế hệ nhân tài tạo dựng sức mạnh tinh thần cho quốc gia Đại Việt. Các sứ thần nước ta được tiếp thu sâu sắc nền Hán học đủ tài sức giao tiếp và tranh biện với triều đình Trung Hoa để bảo vệ lợi ích của quốc gia. Và cũng với tinh thần ấy ta sáng tạo ra chữ Nôm hay sau này là chữ “quốc ngữ” khi tiếp cận với hệ thống mẫu tự của người phương Tây...

 

 

Đến thời nhà Trần, Phật hoàng và cũng là Hoàng đế Trần Nhân Tông không chỉ lập chiến công trên chiến trường cùng quân dân Đại Việt 2 trên 3 lần đánh bại quân Nguyên - Mông mà còn củng cố nền tảng tự chủ của dân tộc bằng việc xây dựng hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử chứa đựng những nguyên lý hành xử để Đại Việt đủ sức tồn tại bên cạnh và giữa những thử thách đến từ nền văn minh lớn chứa đựng cả tinh hoa và cũng chứa chất đầy tai họa. “Khoan thứ sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” như lời dạy của Hưng Đạo Vương hay “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” của Trần Quang Khải đã làm nên một thời đại nhà Trần... Tất cả cho thấy ông cha ta, do hoàn cảnh địa lý và lịch sử luôn coi cái đế chế to lớn ở phương Bắc của Đại Việt là một đối tác mang tính định mệnh đòi hỏi dân tộc Việt Nam và quốc gia Đại Việt phải tạo cho mình một bản lĩnh, một lối sống và lối ứng xử thích hợp để tồn tại một cách bền vững chứ không chỉ là sự ứng phó nhất thời và phải “đề phòng việc không ngờ” như di ngôn của Phật hoàng đã để lại.

 

 

Sang đến triều Lê ta càng thấy rõ: Được hình thành sau một cuộc kháng chiến trường kỳ 10 năm đánh đuổi giặc Minh sau hai mươi năm đô hộ về nước triều đại này đã duy trì được hơn ba thế kỷ rưỡi (1428 - 1789). Từ người thủ lĩnh nghĩa quân trở thành một vị hoàng đế với sự trợ giúp to lớn của Ức Trai - Nguyễn Trãi, đức Lê Thái Tổ đã thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng và đặt nền tảng cho một chính sách ngoại giao khôn ngoan với phương Bắc. Ai cũng biết đến những chiến công hiển hách bằng sức mạnh quân sự ở Chi Lăng, Xương Giang lại cũng biết đến mưu lược mềm mỏng dùng “tâm công” để giải phóng Thăng Long, rồi mở “Hội thề Đông quan”, dọn đường cho quân quan nhà Minh rút lui về nước. Nhờ vậy trong hơn ba thế kỷ rưỡi, triều Lê tồn tại mà phương Bắc không một lần động binh... cho đến Lê Chiêu Thống sang cầu hàng, cũng là một bài học sâu sắc đối với những triều đại đã đến lúc mạt vận, đặt ngai vàng lên trên Dân tộc.

 

 

Với triều đại nào thì việc giữ nước là phải chủ động ngay từ lúc yên bình. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, “Đại cáo Bình Ngô” tuyên với bàn dân thiên hạ “Xã tắc từ nay bền vững/ Non sông bởi đó đẹp tươi... Để mở nền muôn thuở thái bình/ Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn” thì vị hoàng đế đấy hào quang chiến thắng đã lo răn dạy con cháu: “Ta tự phát chông gai, thân trừ cường bạo, lấy giáp trụ làm khăn áo, lấy đồng cỏ làm cửa nhà; xéo đạp hiểm nghèo, xông pha gươm giáo, do đó phong trần quét sạch, cơ nghiệp dựng lên. Gây dựng kinh doanh thực gian khổ lắm. Nay còn nhờ công của ta, nối cơ nghiệp của ta, phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương sửa mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui” (Hậu tư huấn - Quân trung từ mệnh tập). Còn Nguyễn Trãi thì nhắc nhở: “Hoạn nạn mới gây nổi nước/ Lo nhiều mới đúc nên tài/ Trải biến cố nhiều thì mưu kế sâu/ Lo việc xa thì thành công lạ” (Phú Chí Linh). Không chỉ nói mà bằng hành động, Lê Thái Tổ đích thân cầm quân lên Mường Lễ (Lai Châu) ổn định vùng biên cương khi trở về dừng chân ở Chợ Bờ, Đà Bắc (nay là Hoà Bình) đã cho khắc bài thơ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an (Biên phòng cần có phương lược tốt/ Đất nước phải lo kế lâu dài).

 

 

Không phải đến triều Lê mà ngay từ triều Lý, sử đã chép: (năm 1172) vua Lý đi tuần vùng biển ra đến các hải đảo xa và đi tuần vùng biên cương để “xem xét hình thế núi sông”, “đường đi xa gần, lại biết sự đau khổ của dân...” và vẽ nên “Nam - Bắc phiên giới địa đồ”. Còn với triều Lê, năm 1466 lại sai các đạo quân đi khám xét vẽ bản đồ nộp triều đình.

 

Chính vị hoàng đế đã trực tiếp chỉ đạo lập nên bộ bản đồ Đại Việt mang niên hiệu của mình, “Hồng Đức bản đồ” (1569) đã để lại một lời răn mà muôn thuở dân ta phải nhớ: “Người bày tôi giữ đất đai của triều đình, chức phận là phải bảo toàn lãnh thổ... Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc đất của vua Thái tổ để lại để làm mồi cho giặc thì tội tru di”.

Học hỏi người xưa, sau này vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc ta ở thế kỷ XX - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cũng tổng kết: “Dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước đã trở thành một quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta”.

 

 

Chẳng phải tự dưng đem chuyện xưa mà chẳng mấy ai không biết nhắc lại vào lúc này. Bởi lẽ kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khoá XIII vừa kết thúc khiến mọi người đều nhớ: Đúng một tháng sau ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, sức nóng từ biển Đông phả vào Quốc hội khiến phiên họp “đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013” (2.6.2014) trở thành diễn đàn để hầu hết các đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ trước sự kiện biển Đông.

 

 

Ai cũng đánh giá kể từ lúc có biến ấy, Chính phủ đã nỗ lực tổ chức ứng phó bằng hành động cũng như đưa ra những thông điệp rất kịp thời và quyết liệt được dân chúng đồng tình hưởng ứng... Nhưng không mấy ai đặt câu hỏi rằng nếu chúng ta (Chính phủ thực hiện - Quốc hội giám sát) triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển, giữ được 2 “quả đấm thép” của nền kinh tế không để bị tan chảy là Vinashin và Vinalines, đầu tư tốt cho chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, quản lý chặt chẽ hơn việc cho thuê đất, thuê rừng, thuê biển và nhân công nước ngoài v.v... thì chắc chắn tình thế của chúng ta ngoài biển Đông sẽ bớt khó khăn hơn trước những bước leo thang nguy hiểm của người láng giềng phương Bắc (?).

 

 

Vì thế mà phải nhắc lại một lần nữa câu của người xưa “đất nước phải lo kế lâu dài”.

Tháng 6.2014

 

 

D.T.Q