Phóng viên: Tại sao 2 nước chưa sử dụng điện đàm, đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao nhất? Việt Nam đã tiếp xúc và trao đổi vấn đề này với các nước khác chưa? Nỗ lực ngoại giao của Việt Nam kêu gọi Trung Quốc (TQ) tham gia đàm phán, nếu TQ tiếp tục phớt lờ, Việt Nam sẽ tính tới phản ứng như thế nào, liệu có tính đến phương án cắt đứt quan hệ ngoại giao hay không?
- Ông Trần Duy Hải: Việt Nam đã sử dụng các đường dây nóng. Đó là đường dây nóng giữa bộ ngoại giao 2 nước cũng như cấp phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và ủy viên Quốc vụ viện. Việt Nam cũng đã nêu với phía TQ là sẵn sàng điện đàm ở lãnh đạo cấp cao và đang chờ câu trả lời của TQ.
Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, nó đe dọa hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn hàng hải ởbiển Đông, Việt Nam đã thông báo cho ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm cũng như có lợi ích ở khu vực này. Trong tiếp xúc, hầu hết các nước bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc. Tôi khẳng định với vấn đề chủ quyền thiêng liêng của đất nước, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Chính sách nhất quán của Việt Nam là thông qua giải pháp hòa bình, kiên trì để giải quyết các tranh chấp liên quan.
Hiện nay, TQ đã khoan thăm dò dưới đáy biển Việt Nam chưa? Nếu TQ không rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam, Việt Nam sẽ có những hành động gì tiếp theo?
- Ông Trần Duy Hải: Hiện nay và sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi với TQ để xử lý những vấn đề ở biển Đông. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả biện pháp hòa bình được quy định bởi luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Các hoạt động này của TQ có hệ quả gì đến việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và việc đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)?
- Ông Trần Duy Hải: Trước đây, TQ đã nhiều lần thăm dò ở khu vực này, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh và TQ cũng đã rút tàu. TQ từng thuê giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài để dự tính khoan thăm dò ở vùng biển Việt Nam nhưng Việt Nam đã đấu tranh quyết liệt, kể cả việc gặp nhà thầu, nên chưa xảy ra việc TQ khoan thăm dò ở thềm lục địa của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên, TQ sử dụng tàu do họ chế tạo để khoan thăm dò ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại biển Đông. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là sử dụng những biện pháp hòa bình, ưu tiên đàm phán, thương lượng với các nước liên quan.
- Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Về hệ quả với thực thi DOC và tiến tới COC, những diễn biến phức tạp ở biển Đông đã đặt ra thách thức đối với vai trò về tuyên bố của các bên trong việc xử lý các tranh chấp ở biển Đông. Do vậy, Việt Nam kêu gọi các bên cần triệt để tuân thủ các quy định trong tuyên bố DOC, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Đối với COC, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN về việc cần sớm đạt được COC, có tính ràng buộc pháp lý và điều chỉnh các khía cạnh liên quan đến tranh chấp biển Đông.
Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan thì kế hoạch của lực lượng hải quân và kiểm ngư Việt Nam sẽ như thế nào?
- Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Lực lượng Hải quân Việt Nam hiện nay chưa tham gia và không có mặt ở khu vực giàn khoan HD-981. Việc di chuyển giàn khoan của TQ, chúng tôi đã theo dõi chặt.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường ở vùng đặc quyền kinh tế, chỉ khi nào giàn khoan hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò thì mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền. Việc TQ hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng tôi kiên quyết đấu tranh theo tinh thần bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.
Xin khẳng định hiện tại có người chết hay chưa trong các hoạt động vừa qua? Liệu Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp tấn công? Liệu tàu Việt Nam có tông lại tàu TQ để bảo vệ chủ quyền của mình hay không?
- Ông Ngô Ngọc Thu: Chúng tôi khẳng định chưa có người chết trong các hoạt động vừa rồi. Dù những ngày qua, tình hình trên thực địa rất căng thẳng nhưng đến nay, chỉ khoảng 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do kính vỡ văng trúng.
Các tàu hải cảnh và tàu bảo vệ của TQ chủ động tông va tàu Việt Nam gây hư hỏng, ảnh hưởng đến trang thiết bị tàu Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế, tiếp tục bám trụ và giải quyết hòa bình mọi việc trên biển. Tuy nhiên, mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tàu TQ tiếp tục tông vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có những hành động tự vệ tương tự để đáp lại.
Việt Nam liệu có theo gương của Philipinnes, sẽ tiến hành các thủ tục để kiện TQ ra tòa án quốc tế hay không?
- Ông Trần Duy Hải: Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại tòa án quốc tế là biện pháp hòa bình. Tất cả biện pháp hòa bình đều có thể sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam. Việt Nam ưu tiên đàm phán thương lượng nhưng cũng không loại trừ bất cứ biện pháp nào, miễn là biện pháp hòa bình.
Đặc điểm vùng biển mà giàn khoan TQ đặt có tiềm năng thương mại hay không? Khả năng khai thác đối với TQ như thế nào và đối với Việt Nam thì sao?
- Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam): Vùng biển mà TQ đang đặt giàn khoan trái phép cách phía Nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 30 km, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) về phía Đông khoảng 180 hải lý. Khu vực này độ nước sâu trung bình khoảng 1.000 m. TQ đã phải sử dụng giàn khoan nửa nổi nửa chìm, định vị bằng neo hoặc chân vịt tại vị trí khoan.
Về tiềm năng dầu khí ở khu vực này, Việt Nam đã khảo sát nhiều. Thời Việt Nam Cộng hòa năm 1972 đã khảo sát địa chấn với việc thuê một công ty của Mỹ. Những nghiên cứu của Petro Vietnam cho thấy tiềm năng dầu khí chưa được đánh giá kỹ. Chưa khoan vì đây là vùng nước sâu, chúng tôi chưa có thiết bị khoan ở khu vực này. Hoạt động khai thác dầu tập trung ở vùng biển nông hơn.
Để khai thác dầu khí phải xây dựng nhiều công trình cố định, thăm dò thêm, đòi hỏi đầu tư tốn kém, khó khăn. Chúng tôi không tin rằng trong tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở khu vực này.
Hành động cố ý của TQ
8 giờ 10 phút ngày 3-5, tại tọa độ 15031’ N - 111002’E (cách giàn khoan HD 981 khoảng 10 hải lý), tàu Hải cảnh 44044 của TQ chủ động tông thẳng vào mạn phải tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam làm tàu của ta bị rách mạn phải dài 3 m, rộng 1 m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.
8 giờ 30 phút ngày 4-5, tàu Hải cảnh 44103 của TQ chủ động tông thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển 2012 của Việt Nam làm hư hỏng một số trang thiết bị trên tàu.
Ngoài các tàu Cảnh sát biển, nhiều tàu Trung Quốc khác còn chủ động tông va, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Hậu quả là làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương một số thủy thủ Việt Nam.
Nguồn tin: NLĐ Online
CẦN PHẢI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG THÔNG QUA TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN Trong những năm qua Đài loan, Trung quốc liên tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đông đối với nước ta, ngày 5/11/2013 Đài Loan thông báo việc xây dựng một cầu tàu mới và tu bổ đường băng trên "đảo Thái Bình," tức đảo Ba Bình của Việt Nam, thuộc quần đảo Trường Sa. Việc làm trái phép này sẽ bắt đầu vào đầu năm 2014 và dự kiến hoàn tất trong hai năm. Tiếp tục Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố lập ngọn hải đăng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc lại toan tính lập chính quyền ở Trường Sa. Ngày 02/05/2014 Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đây là hoạt động bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam Đây là hành động khiêu khích không thể chấp nhận được. Đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa, chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử xác định rõ chủ quyền không thể chối cải được, đã đến lúc chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn không để các nước trong khu vực biển đông thực hiện ý định của họ, nếu không bảo vệ được thì liên tục các đảo thuộc quần đảo Trường sa họ sẽ lấn tới và giành chủ quyền cho họ. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Ông Daniel RusselTrợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương cho biết thêm ông đã trao đổi với các lãnh đạo VN việc quan điểm mạnh mẽ của Mỹ. Cụ thể, các vấn đề tranh chấp biển đảo trên biển Đông phải được giải quyết trong hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và tuân theo luật pháp quốc tế. Đồng ý với quan điểm trên tuy nhiên trong thời gian qua nước ta đã kiên trì bằng con đường ngoại giao nhưng không đạt được như mong muốn, nên chỉ bằng cách giải quyết theo luật pháp quốc tế. Do vậy, Bộ ngoại gia nước ta sớm đưa vụ việc trên báo cáo trước Đại hội đồng liên hiệp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và các nước trên thế giới biết ủng hộ, đồng thời đưa vụ tranh chấp đảo Ba Bình và các đảo khác ở Trường sa và Hoàng sa khởi kiện ra Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc đứng ra giải quyết tranh chấp. Thuận lợi hiện nay đã có nước Philipines khởi kiện, Tòa án quốc tế đã thụ lý chuẩn bị đưa ra xét xử. MINH TRÍ