Khi cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập bắt đầu vào đầu năm 2011, chính quyền Iran tuyên bố rất vui khi thấy người dân Trung đông theo bước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 của nước này.
Chia sẻ nhiều lợi ích chung
Nhưng niềm vui này nhanh chóng biến thành mối lo âu khi đồng minh đáng tin cậy nhất của Iran trong khu vực cũng bị cuốn vào vòng bất ổn và phải chật vật giữ quyền lực.
Iran tuyên bố sẽ giáng trả nước nào can thiệp vào Syria. Ảnh: Press TV
Mặc dù có nhiều khác biệt nhưng kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979 tại Iran, hai nước này nhận ra họ có nhiều lợi ích chung. Họ cần sát cánh chống lại kẻ thù chung - Saddam Hussein của Iraq cũng như ngăn chặn ảnh hưởng của Israel thâm nhập vào Lebanon và cản đường Mỹ chen chân vào Trung đông.
Chính vì vậy, Tehran và Damascus đều tài trợ cho nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Hamas của Palestine. Syria còn ưu ái cho Iran mượn đường ra địa Trung Hải và tiếp tế cho người Hồi giáo Shia ủng hộ Iran sống tại miền nam Lebanon gần biên giới với Israel. Nói cách khác, liên minh với Syria sẽ giúp Iran củng cố sức mạnh tại biên giới với kẻ thù lớn Israel.
Hai chính phủ còn chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề trên thế giới, đặc biệt là nhìn nhận các lực lượng đối lập đều bị Mỹ và phương Tây kích động.
Iran và một tương lai "không Syria"
Mỹ cáo buộc Iran đã trợ giúp trực tiếp cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Không chỉ cử cố vấn sang Syria, Iran còn cung cấp nhiều thiết bị do thám cho lực lượng an ninh của đồng minh.
Tehran đã bác bọ hoàn toàn cáo buộc của Washington.
Iran có vẻ sẽ tiếp tục giúp sức Syria, nhưng diễn biến vài tháng gần đây cho thấy Tehran bắt đầu suy tính đến một tương lai không có đồng minh số một này. Điển hình là Iran rất nhiệt tình đóng vai trò trung gian tìm kiếm hòa bình cho Syria. "Iran sẵn sàng tạo mọi điều kiện để phe đối lập và chính phủ Syria đàm phán" - Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nói hôm 15-7.
Mất Syria, Iran sẽ mất phòng tuyến cản đường Israel
Mất Syria, Iran sẽ rất khó khăn để tìm ra sự thay thế tương xứng. Nước này vẫn duy trì quan hệ đồng minh với chính phủ hiện tại của Iraq, nhưng Iraq không thể cung cấp cho Iran các lợi thế địa lý tương tự Syria và bản thân quốc gia này cũng đang khốn đốn với tình trạng bất ổn về an ninh.
Ngoài Iraq, Iran cũng cố vá víu mối quan hệ 30 năm trồi sụt với Ai Cập, quốc gia đông dân nhất Trung đông. Nhưng chuyện này không dễ vì tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi theo phong trào Anh em Hồi giáo, tổ chức có nhiều đồng minh đang chiến đấu chống lại chính quyền Syria.