|
Ảnh minh họa |
đây là nguyên tắc xác định và quản lý vị trí việc làm được nêu trong
Nghị định 41/2012/Nđ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định nêu rõ, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Vị trí việc làm được xác định dựa trên 5 căn cứ sau: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của đơn vị sự nghiệp công lập; 2- Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của đơn vị sự nghiệp công lập; 3- Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành; 4- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; 5- Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định 41/2012/Nđ-CP không điều chỉnh đối với các vị trí việc làm gắn với các chức danh, chức vụ quy định là công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. |
Hàng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là Bộ) có trách nhiệm thẩm định đề án vị trí việc làm của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ quản lý; tổng hợp danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ quản lý, trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định, gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
Sở Nội vụ thuộc UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có trách nhiệm thẩm định đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thuộc Sở, Ban, ngành, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổng hợp danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
Chậm nhất ngày 20/7 hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải gửi hồ sơ đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của năm tiếp theo và báo cáo tổng hợp về vị trí việc làm của Bộ, ngành, địa phương về Bộ Nội vụ theo quy định.
Sau thời gian quy định nêu trên, nếu Bộ, ngành, địa phương không gửi hồ sơ và đề án vị trí việc làm thì giữ ổn định số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp xác định vị trí việc làmViệc xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo phương pháp tổng hợp.
Trong đó, thực hiện theo 8 bước cơ bản, đó là:
Bước 1, thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bước 2, phân nhóm công việc.
Bước 3, xác định các yếu tố ảnh hưởng.
Bước 4, thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ viên chức.
Bước 5, xác định bảng danh mục vị trí việc làm cần thiết của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bước 6, xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm.
Bước 7, xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm.
Bước 8, xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng với danh mục vị trí việc làm cần thiết.
Điều chỉnh vị trí việc làmVề việc điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, theo Nghị định, việc điều chỉnh này được thực hiện trong các trường hợp sau:
Một là, đơn vị sự nghiệp công lập được bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hai là, đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại hoặc giải thể.
đối với đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phải được xác định ngay từ khi xây dựng đề án thành lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Quyết định thành lập.
Quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2012.