Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản: Cần chú trọng đến lộ trình

Thứ bảy - 17/11/2012 05:40 1.503 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Ðắk Nông hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đang được các ngành, địa phương tích cực xây dựng thương hiệu. Thế nhưng, vừa qua, một số thương hiệu nông sản nổi tiếng trong nước bỗng "chết tức tưởi" cũng là hồi chuông đáng để xem xét.





Cây khoai lang Nhật Bản là một trong nhiều sản phẩm nông sản đang được huyện Tuy đức và các ngành, địa phương khác xúc tiến xây dựng thương hiệu
 




Mới đây, tại Hội thảo về Ðề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương của tỉnh Ðắk Nông do Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức đã chỉ ra, việc xây dựng thương hiệu không khó, nhưng để nó phát triển cũng… không phải dễ.
 
Bài học từ những thương hiệu "chết"
 
Nói về chiến lược xây dựng, phát triển một số thương hiệu hàng nông sản ở Ðắk Nông, theo Thạc sỹ Ðào Hoài Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế-Phát triển, Ðại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn Ðề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương của tỉnh Ðắk Nông) thì địa phương phải xây dựng đề án thật rõ ràng. Còn nếu làm theo kiểu cảm tính, tự phát thì ngay cả khi tỉnh đã có thương hiệu nông sản rồi cũng sẽ dễ mất như chơi.
 
Ðiển hình như "cái chết" của thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là một bài học đáng để Ðắk Nông tham khảo. Trước đây, trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được xuất khẩu ra các thị trường lớn ở châu Âu, châu Mỹ và nhiều hệ thống siêu thị uy tín trong nước.
 
Còn hơn một năm trở lại đây, nông dân quay lưng lại với thương hiệu này và bán xô vú sữa ngoài chợ, bởi vì không tìm được đầu ra… Nguyên nhân dẫn đến "cái chết" của thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất phát từ khâu quản lý của Nhà nước ngày càng nhạt dần. Thực tế, thương hiệu này do Sở Khoa học và Công nghệ địa phương đầu tư, giám sát, quản lý chất lượng, quảng bá hình ảnh… nên luôn đạt hiệu quả cao về giá trị thị trường.
 
Sau khi thành công với thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, tỉnh này liền tập trung phát triển các thương hiệu khác nữa dẫn đến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Cũng vì đầu tư xây dựng nhiều thương hiệu khác khiến trái vú sữa bị "bọ rơi" dẫn đến chất lượng, đầu ra sản phẩm không được giám sát, quản lý chặt chẽ và từ đó mất thị trường. Giọ thì hàng nghìn nông dân trồng vú sữa điêu đứng. Tương tự như trường hợp thương hiệu thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi năm roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) cũng đang trong tình trạng "chết dần". 
 
Cũng theo Thạc sỹ Ðào Hoài Nam, Ðắk Nông có nhiều sản phẩm nông nghiệp để xây dựng thương hiệu như cà phê, khoai lang, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Chỉ riêng các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã và đang xúc tiến xây dựng một số thương hiệu hàng nông sản, nhưng vẫn chưa thấy đề cập nhiều đến vấn đề thị trường, tiêu chuẩn chất lượng.
 
Ngay như cây khoai lang, dù huyện Tuy Ðức đã triển khai xây dựng thương hiệu, nhưng những đánh giá chính xác về thị trường, sản lượng, quy mô sản xuất của nông dân còn ít. Với việc tập trung xây dựng nhiều thương hiệu hàng nông sản thì liệu rồi các đơn vị, địa phương trong tỉnh sẽ quản lý như thế nào?! "Trước khi triển khai xây dựng thương hiệu, tỉnh phải tính đến chiến lược quy hoạch, phát triển thương hiệu thật cụ thể. Tránh việc địa phương xây dựng nhiều thương hiệu mà không có sản phẩm nào nổi tiếng cả", Thạc sỹ Ðào Hoài Nam cho biết thêm.
 
Phải có lộ trình
 
Theo Ðề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương của tỉnh Ðắk Nông, đối với hàng nông sản, trước hết phải có sản phẩm đặc trưng, chất lượng tốt đã. Sau khi có sản phẩm nông sản đạt chất lượng, các ngành, địa phương có liên quan mới xúc tiến việc xây dựng thương hiệu.
 
Trong quá trình xây dựng thương hiệu hàng nông sản thì địa phương, ngành cần chú ý đến yếu tố hữu hình đó là nhãn hiệu, khẩu hiệu, biểu tượng… đại diện cho sản phẩm và yếu tố vô hình là những thứ đi vào lòng người như chất lượng sản phẩm, hình ảnh sản phẩm. Ðể đạt được những điều kiện trên, địa phương phải đáp ứng tốt các yêu cầu hạ tầng, bộ máy quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo hộ sản phẩm.
 
Muốn làm được, tỉnh phải là người vào cuộc quản lý chất lượng, rồi đầu ra và truyền thông quảng bá sản phẩm, theo lộ trình. Như vậy, khi xây dựng thương hiệu, tránh việc làm nhiều mà nên có sự chọn lựa để tập trung nguồn lực quản lý cho tốt. 
 
Ông Trần Mạnh Ðương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch phân tích: "Trong quá trình xây dựng thương hiệu hàng nông sản, việc nhất thiết là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trước hết là về cơ chế, chính sách phát triển thương hiệu. Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã nông sản phải được đề cao vì thực tế, tỉnh ta chưa có doanh nghiệp những doanh nghiệp "đầu tàu" trong lĩnh vực này".
 
Còn theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT thì đơn vị tư vấn cần có những nghiên cứu cụ thể, hỗ trợ địa phương trong việc đánh giá từng sản phẩm nông sản, điều kiện và lộ trình phát triển thương hiệu chi tiết hơn. Nếu làm được điều này thì câu chuyện buồn về thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sẽ khó lặp lại ở Ðắk Nông sau này.
 
Bài, ảnh: Công Tính

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay5,122
  • Tháng hiện tại56,492
  • Tổng lượt truy cập41,124,295
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây