Trên thực tế, các mô hình triển khai phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều mô hình nông nghiệp đã không thể duy trì trong thời gian dài vì những nguyên nhân khác nhau. |
Nằm trong chương trình phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong năm 2012, huyện Đăk Mil đã triển khai mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi. Được đầu tư quy mô và chăm sóc theo đúng quy trình, đến nay, sau 3 năm các vườn cà phê trồng thử nghiệm đã đem lại lợi nhuận cao cho những hộ tham gia trồng thử nghiệm. Điển hình như vườn cà phê của gia đình chị H’Thao, bon BuĐăk, xã thuận An. Chị H’Thao tâm sự, do vườn cà phê của gia đình chị đã già cỗi và kỹ thuật canh tác không bảo đảm nên sau nhiều năm thu hoạch năng suất đạt rất thấp. Khi Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình thí điểm ghép cải tạo vườn cà phê, gia đình đã đăng ký tham gia. Sau hơn 3 năm thực hiện mô hình, gia đình vui mừng vì kết quả hơn cả mong đợi, 500 cây cà phê ghép chồi cải tạo phát triển khá tốt, thân to, cành dài, lá xanh tốt, trái nhiều. Ghép cải tạo cà phê chỉ là một trong những mô hình có hiệu quả khả quan trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Để có những kết quả khả quan đó, UBND huyện đã tổ chức các đợt tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho cán bộ và nhân dân trong huyện từ các địa phương lân cận như tỉnh ĐăkLăk, Lâm Đồng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, trồng xen canh các loại cây trồng trên cùng một diện tích đất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, trong 3 năm qua, toàn huyện đã triển khai thí điểm 29 mô hình với tổng kinh phí đầu tư 3,3 tỷ đồng. Trong đó, vồn Nhà nước đầu từ gần 1,6 tỷ đồng còn lại là do doanh nghiệp và người dân tự đầu tư. Các mô hình mang lại hiệu quả cao, với thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/1ha như: mô hình lúa lai tại xã ĐăkGằn; mô hình nuôi cá rô phi đầu vuông tại xã ĐăkSăk; mô hình trồng bơ, mít thái, ca cao xen cà phê tại xã ĐăkGằn… Nghị quyết Trung ương 04 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị chất lượng nông sản và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiện, trên thực tế vẫn có một số mô hình khi triển khai xây dựng trên địa bàn huyện ĐăkMil đã không mang lại kết quả tốt như mong đợi như: mô hình mía tím, mô hình trồng phong lan, chanh dây … Có thể nói, sau 3 năm triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ở huyện ĐăkMil đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thể áp dụng đại trà cho bà con nông dân, giúp họ cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để các mô hình có thể nhân rộng, phát huy được tiềm năng đất đai, lợi thế của địa phương rất cần cần sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Hoàng Dung – Trung Lý |
Nguồn tin: PTTH Đăk Nông